Qua phản ánh của báo chí và dư luận, có khá nhiều luận văn thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành có nội dung không thiết thực.

Với sự hiện diện của CNTT và Internet trong mọi lĩnh vực thì lẽ ra chính giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học phải là lực lượng đi đầu trong việc thúc đẩy Cách mạng Công nghiệp 4.0. Và khác với các thế hệ đi trước, các chuyên gia giáo dục Đại học và nghiên cứu khoa học ở Việt Nam ngày nay đa số đều sử dụng máy tính và Internet. Và đương nhiên, với những người có tinh thần ham học hỏi, thì sẽ không khó để tìm ra những đề tài mới thực sự thiết thực trên đại dương thông tin mà Internet có thể cung cấp.
Tuy nhiên, mọi thông tin có thể tìm kiếm trên mạng sẽ vẫn là thiếu với những định hướng nghiên cứu chuyên sâu. Khi đó, các nhà nghiên cứ sẽ phải chủ động trong việc tìm kiếm thông tin và tư liệu từ các nguồn, hoặc tốt nhất là từ những người đã đầu tư, những nhà nghiên cứu các lĩnh vực đó. Tuy vậy, vẫn có những trường hợp đề tài mà nghiên cứu sinh theo đuổi là hoàn toàn mới và không dễ gì tìm được các bậc thầy và đồng nghiệp. Khi đó, bản lĩnh và quyết tâm của họ sẽ có ý nghĩa quyết định.
Qua thực tế mà báo chí và dư luận phản ánh thời gian qua thì tình trạng chung của các nghiên cứu sinh là hướng đề tài mà họ lựa chọn không có gì “sắc nét” và về cơ bản là sa đà vào những thứ đã có, nếu không nói thực chất là “sao chép” hoặc không có gì đặc biệt cả. Cũng khó có thể trách vì có lẽ nhiều người học lên thạc sĩ, tiến sĩ chỉ là để có học hàm, học vị để thuận lợi cho công việc.
Theo một lãnh đạo của Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trong bất cứ thời đại nào, thông tin khoa học cũng là rất cần thiết. Họ cần có thông tin đầy đủ, kịp thời và chính xác trước khi ra quyết định để giải quyết một vấn đề nào đó, hoặc trong việc xây dựng các chiến lược, chương trình hay đề án phát triển của tổ chức mình. Tiếc thay, cũng theo chuyên gia này thì Việt Nam đến nay dường như vẫn chưa có thị trường thông tin khoa học.
Theo những điều tra không chính thức từ các tạp chí khoa học chuyên ngành, một thực trạng đáng buồn là chỉ có không tới 20% giảng viên đại học và chuyên viên các viện nghiên cứu là độc giả thường xuyên của họ. Nên chăng, đã đến lúc cần có những quy định bắt buộc về việc phải cập nhật thông tin khoa học từ các tạp chí khoa học chuyên ngành ?