Đặt mục tiêu cho mỗi môn học là khởi đầu và cũng là định hướng cho cả chuỗi hoạt động giáo dục sau đó.

Mục tiêu môn ngữ văn
Chương trình Ngữ văn trong nhà trường Việt Nam cả trước đây và bây giờ (2018) đều mang tham vọng rất lớn, điều đó được thể hiện trong \”mục tiêu\” của môn học.
Mục tiêu sẽ được phân cấp, bắt đầu là từ mục tiêu chung, trong mỗi mục tiêu ấy lại được cụ thể ra bằng những phẩm chất và năng lực. Ví dụ, mục tiêu chung của môn Ngữ văn được trình bày trong Chương trình 2018 như sau:
1. Hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất cao đẹp: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm. Qua những văn bản ngôn từ, đặc biệt là các văn bản văn học đặc sắc, môn Ngữ văn tạo cho học sinh cơ hội khám phá bản thân và thế giới xung quanh, thấu hiểu con người, biết đồng cảm, sẻ chia, có cá tính và đời sống tâm hồn phong phú, có quan niệm sống và ứng xử nhân văn; bồi dưỡng cho học sinh tình yêu đối với tiếng Việt và văn học, ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc, góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị văn hoá Việt Nam; giúp học sinh thấy rõ vai trò và tác dụng của môn học đối với đời sống con người, có thói quen và nhu cầu đọc sách, có tinh thần tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại, có khả năng hội nhập quốc tế, có ý thức và tác phong của một công dân toàn cầu.
2. Góp phần giúp học sinh phát triển các năng lực chung như năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Đặc biệt, chương trình môn Ngữ văn giúp học sinh phát triển năng lực ngôn ngữ và năng lực thẩm mỹ thông qua các hoạt động đọc, viết, nói và nghe; cung cấp hệ thống kiến thức phổ thông nền tảng về văn học và tiếng Việt, để góp phần phát triển vốn học vấn căn bản của một người có văn hoá; hình thành và phát triển con người nhân văn, biết tiếp nhận, cảm thụ, thưởng thức, đánh giá các sản phẩm ngôn từ và các giá trị cao đẹp trong cuộc sống.
Học văn để làm gì ?
Phải nói ngay rằng nếu liệt kê một cách trọn vẹn lại quả là khó. Vì tại sao? Vì tuỳ thuộc từng vấn đề, từng tình huống, từng hoàn cảnh, từng giai đoạn, từng \”tầm đón nhận\”. .. mà môn Văn (và văn học nói chung) sẽ đem lại nhiều giá trị không giống nhau. Với vai trò là một bộ môn, tức một nghiên cứu thì mục đích cần đầy đủ, chính xác, và nhất thiết phải biết có phương pháp nào đấy mới đánh giá được, \”đo đếm\” nó, cho dù là đo đếm bằng con số hay có những phần ước định.
Môn Ngữ văn, theo chúng tôi hiểu một cách đơn giản thì chỉ cần đạt đến mục đích giao tiếp, và phải học như thế nào để giao tiếp phải có ý nghĩa, có giá trị và có văn hóa. Học văn là phải \”biết nói\” và \”biết viết\” – dịch theo ý nghĩa sâu xa về khoa học của hai từ này. Đó là những gì nghe thấy rõ, nhận ra ngay, kiểm chứng được bởi các cộng cụ và phương pháp khách quan.
Không những chỉ có vậy, cho dù đã đề ra các tiêu chí hết sức cao đẹp và nhiều tham vọng nhưng về cơ bản bộ môn ngữ văn đã chưa thể thực hiện tốt những điều quan trọng nhất mà đáng lẽ chúng ta cần phải đạt tới, đặc biệt là năng lực nói và năng lực viết của học sinh.
Chỉ khi mà chúng ta hiểu rõ mục đích bộ môn như là một tiêu chí quan trọng thì các bước đi kế tiếp của quá trình dạy học mới thực sự có thể triển khai được hiệu quả. Người ta sẽ nói tốt và văn hay nếu nói và làm về điều gì đó họ suy nghĩ. Mục tiêu học tập nên được thu nhỏ hơn, rõ ràng và có tính chất hành động. Không thể có một mục đích mơ hồ đến nỗi không hiểu nên khởi đầu ở đâu và làm như thế nào nhằm hướng tới nó mà lại hy vọng sẽ có một kết thúc tốt đẹp.
Môn Văn có một đặc điểm khác là tính thẩm mỹ. Việc hiểu biết sâu vào đặc điểm tác phẩm hay các hình tượng nghệ thuật cũng là một yêu cầu hết sức cần thiết. Cũng từ đây (xác định mục tiêu môn học) , có thể thấy vấn đề tích hợp hay đa môn trong các nội dung và chương trình của giáo dục phổ thông sẽ tự động được đưa ra và xử lý hoàn toàn hữu cơ mà không phải là những lắp ghép cơ học nữa.
Đề xuất
Trước hết, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ban hành những văn bản hướng dẫn, khu biệt lại mục tiêu và đi kèm với nó là gợi ý về những phương pháp dạy học tương thích.
Cần có hành lang pháp lý và cả những hướng dẫn về đổi mới sinh hoạt chuyên môn ở trường phổ thông. Thay những sinh hoạt hành chính bằng “cộng đồng giáo viên học tập”, bằng “nghiên cứu bài học” để giáo viên phát triển chuyên môn một cách thực chất và làm quen với không khí dân chủ cũng như văn hóa thảo luận; từ đó mà giúp thay đổi học trò bằng những giờ tổ chức dạy-học tích cực.
Nhà giáo Minh Tuấn