Ngành Công Nghệ Việt Nam đang thiếu cả Thầy lẫn Thợ

Tại Hội thảo \”Ngành nghề mới ở Việt Nam: Nhân lực sẽ đón đầu hay chờ đợi\” Phó trưởng Khoa CNTT, Đại học Phenikaa cho rằng công nghệ là ngành có tốc độ phát triển và thay đổi quá nhanh, vì nhiều lý do mà các trường đại học, cao đẳng rất khó cập nhật kiến thức. Thậm chí không thể theo kịp nên không thể kịp để điều chỉnh, bổ sung  vào chương trình đạo tạo. Tiếp theo đó là khó mời giáo viên, khó định dạng được những tiêu chí đầu ra cho sản phẩm đào tạo.

TS. Hà Minh Hoàng – Phó trưởng Khoa CNTT, Đại học Phenikaa cho rằng các bạn trẻ không nên đổ xô vào học công nghệ một cách vội vàng mà nên có sự cân nhắc, phải dựa trên thực lực và tố chất của mình để chọn lựa. Để bản thân không phải rơi vào tình trạng học được 1-2 năm rồi bắt đầu chuyển ngành, chuyển nghề vì không còn yêu thích, đam mê. 

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng vấn đề quan trọng nhất của các bạn không phải là học ngành gì, học thế nào, mà quan trọng hơn là các bạn sinh viên phải chuẩn bị được tâm thế, thái độ học tập. Điều này thể hiện rằng, dù bạn học ở ngành nào, nhưng nếu bạn có quá trình học tập tốt, có đủ kỹ năng, thái độ làm việc tích cực thì bạn vẫn có thể thích ứng với sự đổi thay của công việc trong bối cảnh thị trường việc làm thay đổi liên tục.

Nói về xu thế chọn ngành nghề của thanh niên hiện nay, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa – cho rằng hiện nay, mỗi người đều có những ước mơ riêng, hoài bão riêng nên khi chọn ngành, chọn nghề phải dựa trên sở thích, năng lực bản thân, sở trường, ngành mà xã hội đang cần. Khi ấy, mỗi người mới có cơ hội phát triển.

“Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ với cơ hội việc làm rộng thì thành công của mỗi người trong công việc không phụ thuộc hoàn toàn việc chọn nghề hot mà phụ thuộc vào thái độ và kỹ năng của mỗi người” – PGS.TS Nguyễn Phú Khánh nói.

Ông phân tích thêm, cha mẹ nào cũng muốn con mình học hành giỏi giang, vào được những trường đại học danh tiếng, rồi kiếm được công việc tốt.  Và nhìn vào đó, con trẻ miệt mài học tập, cha mẹ miệt mài đầu tư. Tuy nhiên, không ít vấn đề khác đã bị bỏ qua: ngành học đó có phù hợp với tố chất của bạn trẻ hay không, khi tốt nghiệp thì ngành nghề đó có còn “đắt giá” hay không,… Chẻ nhỏ vấn đề hơn, lại có các tiêu chí chọn trường được cụ thể hóa theo từng gia cảnh, từng mục tiêu nghề nghiệp của cá nhân.

Scroll to Top