Quan niệm \”nguy hại\” trọng giáo dục: Trừng phạt

Trừng phạt sẽ mang lại hiệu quả tức thời nhưng thường để lại hậu quả lâu dài trong tâm hồn, tính cách và trí tuệ.

Phạt hay trừng phạt vốn không xa lạ trong nền giáo dục của Việt Nam và cả trên thế giới, nếu không nói rằng nó đã ngự trị trong lịch sử giáo dục hàng ngàn năm ở cả Đông lẫn Tây. Tuy nhiên, cùng với những thành tựu của tâm lý học và giáo dục học thì không một nền giáo dục tiến tiến nào còn quan niệm như thế nữa.

Nói như thế không phải là người ta thả nổi cho đứa trẻ muốn làm gì thì làm. Các nhà giáo dục học và nhà trường tiến bộ đã thay “trừng phạt” bằng “kỷ luật”, và nhất là “kỷ luật tích cực”. “Kỉ luật tích cực” là gì? Tại sao người ta lại thay thế phần thưởng và hình phạt bằng cách “kỉ luật tích cực”. Kỷ luật tích cực là biện pháp giáo dục văn minh và luôn đặt lợi ích lâu dài của trẻ lên hàng đầu.

Đầu tiên, có một nhận thức chung mà không ai phủ nhận được đó là mọi hành vi của con người đều có nguyên nhân. Tất cả những biểu hiện “không ngoan” của một đứa trẻ đều dứt khoát có lý do tâm lý học; và cách chữa bệnh đúng nhất, hiệu quả nhất và tốt nhất là chữa căn nguyên.

Một đứa trẻ cố ý không làm bài tập không đơn giản chỉ vì nó lười biếng hay coi thường giáo viên. Theo nguyên lý tảng băng trôi trong giáo dục thì hành vi của con người chỉ là phần nổi mà lý do thật sự đang bị chìm ở bên dưới.

Một chấn thương tâm lý nào đó trong quá khứ đã dẫn nó tới hành vi, ví dụ đã từng bị trừng phạt, bị chế giễu, bị khinh thường v.v. vì làm bài sai. Cơ chế tự vệ của cái tôi mà tâm lý học đã chỉ ra giúp ta lý giải cho hiện tượng này.

Người ta quên mất một điều rằng con người có quyền sai, và vì quên nên mới có những giáo viên luôn đòi hỏi học sinh phải đúng, nếu không đúng là “ngu”, là kém cỏi, là lười học v.v. Người giáo viên thì đa phần cũng đều quên mình cố gắng và khổ sở ra sao. Và họ cũng đã phải mất hàng năm trời để học hỏi và cải thiện bản thân.  Vậy thì hà cớ làm sao lại bắt một đứa trẻ phải biết làm và làm tốt ngay từ lần đầu tiên.

Con người tìm kiếm điều gì? Sự an toàn và tình yêu. Và một khi nó không tìm thấy những điều ấy ở xung quanh thì nó sẽ “xù lông” lên; các nhà khoa học nhìn thấy động cơ sâu thẳm của những hành vi ấy chính là một khao khát yêu thương và sự an toàn. Nếu anh tiếp tục trừng phạt đứa trẻ vì những tổn thương của nó thì sẽ chỉ tăng thêm tính thù ghét, sự đối phó, lòng tự ty.

Sự trừng phạt bao giờ cũng hủy hoại, tuy nó thường mang lại hiệu quả tức thời. Cùng với những chấn thương không thể chữa lành là tính cách hình thành. Một đứa trẻ bị lớn lên trong bạo lực, cả bạo lực hành vi lẫn bạo lực tinh thần thì tất yếu sẽ mang tính cách bạo lực.

Nhưng xin chớ quên, không chỉ sự trừng phạt mà phần thưởng – biểu hiện mặt kia của trừng phạt – cũng để lại hậu quả. Đó là sự nhanh chóng phụ thuộc vào phần thưởng và không còn có ý muốn cống hiến cho xã hội nếu như phần thưởng không hiện hữu một cách rõ ràng.

Để tránh đi tất cả những tai họa ẩn giấu này, một môi trường giáo dục lành mạnh và tiến bộ cần được dựng xây và thể chế hóa bằng các văn bản. Điều quan trọng nhất ở đây chính là giáo viên, giáo viên không những phải trở thành một nhà giáo, nhà sư phạm mà hơn thế, phải trở thành một chuyên gia về tâm lý có tấm lòng thương yêu rộng lớn để thực hiện sứ mệnh giáo dục thiêng liêng này.

Nhà giáo Minh Tuấn

Scroll to Top